Tra Từ Điển Đạo Phật

Tìm kiếm theo chữ cái

Xả tâm

Xả tâm là tối ngày giữ mình là người vô sự, không làm gì hết, cứ ngồi mà xả tâm thôi, niệm gì khởi lên cũng xả hết. Cái tâm lúc đầu khởi lên niệm sai bảo mình làm, sau đó nó không sai bảo được nữa là mình đã phá sạch các dục, tức là thư giãn xả tâm.

Tâm sạch hết các dục, sạch hết các lậu hoặc thì tâm thanh tịnh. Cái tâm suy nghĩ, sai sử chính là chướng ngại pháp (nên đức Phật nói là “Đẩy lui chướng ngại pháp”). Trước khi xả một niệm nào trong tâm phải có sự tư duy suy nghĩ cho thấu đáo nghĩa lý của niệm đó và còn phải biết áp dụng đức hạnh của giới luật vào niệm đó để chuyển hóa niệm.

Sự chuyển hóa niệm gọi là xả tâm, cho nên Đức Phật bảo: “Tri kiến ở đâu thì đức hạnh giới luật ở đó, đức hạnh giới luật làm thanh tịnh tri kiến, tri kiến làm thanh tịnh đức hạnh giới luật”. Trong thân chúng ta có bốn chỗ để xả:

1- Thân;

2- Thọ;

3-Tâm;

4- Pháp.

Khi tâm có niệm chướng ngại pháp khởi sanh thì phải tỉnh ngay niệm khởi đó để dùng Định Vô Lậu quán xét cho thấu suốt niệm khởi đó để đẩy lui ra khỏi tâm. Tâm tỉnh giác trong hành động làm, tức là tâm biết mình đang làm công việc đó, không có niệm khởi thì đó mới chỉ là tỉnh giác, chứ chưa xả niệm (xả tâm).

Không phải tâm biết hành động làm là buông xả (xả tâm) mà chính pháp hướng tâm là buông xả. Xả tâm tham, sân, si phải được xả tận cùng, xả cho đến khi nào tâm không còn phóng dật thì mới có an ổn được, nếu tâm còn phóng dật thì nên đề cao cảnh giác các niệm, chứ đừng lơi lỏng mà hỏng chân, thất bại và có thể bỏ cuộc, cuối cùng không còn tu tập được gì cả.

Vì chính không xả tâm tham, sân, si được thì bị ức chế tâm và ức chế tâm thì rất khổ đau, nên phải tu tập đi đến tận cùng con đường giải thoát xả tâm, đừng tu tập bỏ lỡ giữa đường. Trên bước đường tu tập theo đạo Phật, mỗi hành giả đều phải có những kinh nghiệm riêng tư, rút ra từ bản thân trau dồi rèn luyện thân tâm của mình, nhờ đó mới có thể đi đến kết quả giải thoát hoàn toàn làm chủ sanh, già, bệnh, chết.

Xả tâm là xả ác pháp, xả ác pháp là có giải thoát ngay liền. Nếu chưa thông suốt những điều cần thông suốt thì không xả được tâm mà còn ức chế tâm. Còn thông suốt những gì cần thông suốt thì đó là tri kiến giải thoát.

Có tri kiến giải thoát thì xả tâm rất dễ dàng. “Thông suốt những gì cần thông suốt” là tri kiến giải thoát. Muốn có được Tri kiến giải thoát là nhờ tu học các lớp Chánh Tri Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm và Chánh Định.

Gợi ý